Chuyến du lịch 7 ngày 6 đêm do
Vietravel tổ chức đi Thượng Hải, Hàng Châu, Tô Châu, Bắc Kinh xuất phát
ngày 12/10/2013. Trong chuyến đi này hầu hết là người nghỉ hưu cùng cán
bộ chủ chốt của một công ty may và cũng trong số này, có người lần đầu
tiên được đặt chân lên đất Trung Quốc nên rất háo hức, phấn chấn, ai
cũng mang theo vài ngàn tệ (tiền Trung Quốc) để mua sắm những thứ cần
thiết. Ngoài hướng dẫn viên du lịch Việt Nam đi suốt tuyến cùng đoàn,
sang đến Thượng Hải và Bắc Kinh còn có thêm một hướng dẫn viên người địa
phương. Đây được coi là mùa du lịch đẹp nhất trong năm ở Trung Quốc.
 |
Một góc trung tâm mua bán Vương Phủ Tỉnh về đêm |
Phải nói Thượng Hải, Bắc Kinh, Hàng
Châu, Tô Châu là những thành phố khá sạch đẹp, phát triển nhanh với
nhiều công trình kiến trúc đẹp, nhiều di tích lịch sử rất đáng được
chiêm ngưỡng và suy ngẫm. Do hệ thống giao thông phát triển bao gồm cả
tàu điện ngầm, tàu điện trên cao nên giao thông tại đây rất thuận lợi,
không chen chúc xe máy, không có người ăn xin, chụp giật, không có người
níu kéo du khách và “chặt chém” như ở Hồ Gươm, Hà Nội.
Nói như vậy, không có nghĩa là ở Trung
Quốc không có những tệ nạn đó mà phải nói ở mọi nơi trên đất Trung Quốc,
những chiêu trò lừa khách du lịch Việt Nam diễn ra rất phổ biến, bài
bản, tinh vi ở những điểm du lịch, những cửa hàng bán thuốc, bán đồ
trang sức, ngọc trai, vàng bạc, tơ lụa, đồ lưu niệm… được các hướng dẫn
viên địa phương đưa đến theo lịch trình đã ấn định của các công ty du
lịch Việt Nam. “Văn hóa lừa” của những người bán hàng và cả các hướng
dẫn viên du lịch làm cho khách du lịch Việt Nam như bị thôi miên, bị ma
ám, không suy nghĩ mà cứ lao vào mua hàng rởm, hàng kém chất lượng và
cuối cùng, người bán hàng ăn rất đậm, rất nhiều chứ họ không thèm ăn
vặt.
Từ Tỳ Hưu linh thiêng...
Lừa khách du lịch tinh vi nhất phải kể
đến các điểm du lịch ở Bắc Kinh. Trên đường đưa du khách đến thăm Viện
Bảo tàng Cố Cung (Tử Cấm Thành), nơi các triều đại nhà Minh, nhà Thanh
ngự trị suốt mấy trăm năm lịch sử, hướng dẫn viên du lịch tên Lâm nói
tiếng Việt làu làu và tỏ ra khá am hiểu về lịch sử. Anh ta nói một mạch
về lịch sử Cố Cung, về các triều vua, rồi chốt lại bằng câu chuyện con
Kỳ Hưu hấp dẫn. Chuyện rằng: Đời vua Minh Thái Tổ, giữa lúc quốc khố bị
rỗng, một đêm ngài nằm mơ thấy một con vật mình rồng, đầu và mông to, có
sừng nhọn, không có hậu môn đứng hút nhanh từng thỏi vàng sáng chói vào
bụng. Sau giấc mơ đêm ấy, nhà Minh hưng thịnh, quốc khố đấy vàng. Nhà
vua cho làm con đường vào thành theo trục Bắc Nam, hướng tài lộc, cho
xây cổng Bắc thành này và dùng ngọc phỉ thúy tạc tượng con vật trong mơ,
gọi là Kỳ Hưu, nghĩa là kỳ diệu, sau gọi là Tỳ Hưu, đặt tại đây, gọi là
tài môn, cổng tài lộc.
 |
|
Ông Lâm còn kể rằng năm ngoái, một số
người Việt Nam đã đến đây cúng tiến vài ngàn tệ để có con Tỳ Hưu và đã
trở thành các doanh nhân giàu có, người thì đứng đầu đường dây buôn bán
quần áo từ Ấn Độ, Mông Cổ sang Nga, người lại đang sở hữu vài chục căn
hộ tại Hà Nội, người làm giám đốc doanh nghiệp làm ăn rất phát. Thỉnh
thoảng họ qua Bắc Kinh mời Lâm đi uống bia hoặc tặng quà để bày tỏ lòng
cảm ơn Lâm đã giúp họ có Tỳ Hưu…
Ông Lâm bảo: Không chỉ có Tỳ Hưu sinh
tài, còn nhiều loại Tỳ Hưu khác mầu nhiệm không kém, như Bồ Lao, Trào
Phong, Toàn Nghê, Bi Hi, Bế Ngạn, Phu Hi… Ai muốn con cháu học giỏi, văn
hay chữ tốt thì thờ Phu Hi, muốn yên ổn bình an thì trưng Bồ Lao, muốn
quyền cao chức trọng thì trưng Bế Ngạn… Hôm nay đoàn khách Việt Nam may
mắn được qua cổng tài lộc vào Tử Cấm Thành và được chiêm ngưỡng Tỳ Hưu
bằng ngọc phỉ thúy, tạc từ thời Minh Thái tổ…
Chuyện ông Lâm kể khiến du khách mắt
sáng lên, lấy sổ tay ghi tên loại Tỳ Hưu hợp với tuổi mình, chồng con
mình. Mọi người háo hức được nhìn, được sờ con Tỳ Hưu linh thiêng và
nhiều người khát khao có được nó.
Đến Thành Lầu Đức Thắng Môn, khách
nhanh chóng theo cầu thang gỗ lên tầng 2 và được đưa vào phòng có con Tỳ
Hưu phủ vải đỏ. Sau khi nghe lại câu chuyện về con Tỳ Hưu do nhân viên ở
đây giới thiệu (ông Lâm dịch), mọi người lần lượt sờ Tỳ Hưu từ chân qua
bụng, đến đầu. Cuối cùng hướng dẫn viên đưa khách sang một căn phòng
rộng bày la liệt đủ các loại Tỳ Hưu to nhỏ lớn bé, đủ màu sắc trên kệ
gỗ, trong tủ kính. Các cô gái bán hàng đon đả chào mời khách. Tay hướng
dẫn viên nói, chỉ ở đây mới có các loại Tỳ Hưu thứ thiệt, mỗi con vật
linh thiêng này được đưa vào Cố cung bày trước anh linh vua Minh Thái Tổ
xin ban phúc lộc rồi mới mang ra đây bán cho du khách.
Mọi người như bị mộng du, bước chân đi
rón rén, không dám nói cười, cứ ngoan ngoãn móc ví đếm tiền mua Tỳ Hưu
hợp với tuổi mình và người thân. Có người mua một lúc ba con, giá mỗi
con từ 1.200 đến 2.300 tệ (con ít tiền nhất hơn 4 triệu đồng Việt Nam).
Không mua Tỳ Hưu, tôi và một người bạn
đi dọc dãy nhà đó và sững sờ phát hiện có gần chục phòng bày Tỳ Hưu phủ
vải đỏ và phòng nào cũng chật kín khách du lịch, hầu hết là khách du
lịch Việt Nam. Bạn tôi bảo: “Cam đoan Tỳ Hưu này không phải bằng ngọc,
trông chẳng khác gì những con nghê bằng đá bán ở Hà Nội, Sài Gòn, Ngũ
Hành Sơn, giá chỉ hai, ba trăm ngàn một con”. Trong vòng 30 phút, đoàn
khách của tôi đã mua gần 20 con Tỳ Hưu với tổng số tiền gần 100 triệu
đồng Việt Nam. Một sự lừa đảo thật ngoạn mục…
 |
Phát lộc may mắn để mời khách mua hàng ở khu mua sắm Vương Phủ Tỉnh (Bắc Kinh) |
Đến dầu gió, thuốc bỏng kỳ diệu
Theo chương trình, hướng dẫn viên tiếp
tục đưa đoàn đi thăm Vạn lý Trường Thành. Cách điểm tham quan Vạn Lý
Trường Thành không xa, tay hướng dẫn viên nói với du khách: Vạn lý
Trường thành được Hoàng đế Tần Thủy Hoàng xây dựng từ thế kỷ thứ V trước
công nguyên, dài 3.980 dặm. Nơi đây, Mao Chủ tịch đã đến khắc bảy chữ
vàng “Bất đáo trường thành phi hảo hán” nghĩa là chưa đến Vạn lý Trường
thành thì chưa phải là một anh hùng. Muốn lên Vạn lý Trường thành phải
có sức khỏe tốt, vì vậy cơ quan y tế Trung Quốc đã thành lập một Trung
tâm khám sức khỏe miễn phí cho du khách, đồng thời giúp du khách tìm
hiểu về đông y Trung Quốc. Ông Lâm nhấn mạnh: Trung tâm khám sức khỏe
này cũng đã ký hợp đồng với Công ty Du lịch Vietravel của Việt Nam và
chỉ có khách của Vietravel mới được vào đây khám chữa bệnh.
Gọi là trung tâm nhưng đây chỉ là dãy
nhà hai tầng nằm ngay ven đường đi Vạn lý Trường thành. Một người mặc áo
blu trắng, nói tiếng Việt rất sõi mời khách vào phòng uống nước và mang
ra một lọ dầu gió vừa nói về tác dụng kỳ diệu của nó vừa xoa vào đầu,
vào gáy cho những người ngồi hàng trên. Rồi bà ta mời mọi người vào các
phòng khám bệnh, bắt mạch với gần chục người mặc áo blu trắng già có,
trẻ có ra tận cửa dẫn vào.
Mỗi phòng đều kê sẵn bàn ghế ngồi của
bác sĩ và mấy hàng ghế dành cho bệnh nhân. Bác sĩ vạch miệng, vạch mắt,
nghe tim phổi và bắt mạch cho từng người với thái độ rất thân thiện, khi
nheo mắt tỏ vẻ lo lắng, khi mím môi tỏ vẻ nghiêm trọng, rồi nhoẻn miệng
cười đầy vẻ cao đạo. Bác sĩ hỏi tôi: “Chị có bệnh gì không?”. Tôi trả
lời: “Không có bệnh gì”. Bà ta lại bảo: “Mạch của chị rất yếu, tôi biết
chỉ năm sau là chị phát bệnh nặng. Vì vậy phải uống thuốc ngay từ bây
giờ. Đã tới đây thì bách bệnh sẽ được tiêu trừ hết bởi trung tâm này đã
từng chữa bệnh cho nhiều vị nguyên thủ quốc gia Trung Quốc và thế giới.
Rồi bà ta kê đơn thuốc với tổng số tiền lên đến 5.300 tệ (khoảng 19
triệu đồng). Tôi nói với bà ta: Tôi đi du lịch không mang nhiều tiền. Sợ
khách chạy mất. Bà ta bảo: “Giảm giá hữu nghị và kê lại đơn thuốc khác
với số tiền chỉ còn một nửa là 2.700 tệ”. Tôi vẫn không mua, bà ta nhằng
nhẵng đi theo và khuyên tôi nên vay tiền người cùng đoàn hoặc hướng dẫn
viên vì đây là cơ hội hiếm có.
Để thoát được bà “bác sĩ” này, tôi phải
vào phòng vệ sinh ngồi khá lâu. Tuy vậy, nhiều người trong đoàn bị bệnh
khớp, đau thần kinh tọa, đau đầu… vẫn mắc phải chiêu trò này. Họ mua cả
túi thuốc to với giá vài ba ngàn tệ, mua lọ dầu gió giá hơn 200 tệ
trong khi ở Việt Nam loại dầu như vậy giá chỉ vài chục ngàn, mua kem bôi
tay hơn 180 tệ, thuốc chữa bỏng 230 tệ (tương đương gần 800 ngàn đồng
Việt Nam). Em gái tôi bị viêm họng, họ mang ra một gói thuốc to bảo uống
trong 40 ngày sẽ khỏi với giá 950 tệ.
 |
Một nghệ nhân người Tô Châu đang sửa sang lại những mặt hàng thủ công mỹ nghệ trong cửa hàng của mình |
Phải 20 phút sau, hai hướng dẫn viên du
lịch của đoàn mới quay ra xe cùng mấy vị khách xách theo bọc to, bọc
nhỏ với khuôn mặt rất hả hê. Chắc chắn họ đã được trả tiền hoa hồng xứng
đáng từ cơ sở bán thuốc với giá “cắt cổ” này khi đã có công quảng cáo
và đưa khách vào đây. Xe chúng tôi vừa chuyển bánh, tôi đã thấy hai
chiếc xe du lịch của Công ty Du lịch Sài Gòn, Công ty Du lịch Tràng An
lại ào vào trước sự đón tiếp niềm nở của những người mặc áo blu trắng
đang chờ sẵn, chứ không phải chỉ có khách du lịch của Vietravel mới được
vào đây như ông Lâm nói.
Và ngọc, đá quý rởm
Tận dụng tối đa các cơ hội để moi tiền
du khách, ngày cuối cùng ở Bắc Kinh, trên đường ra sân bay, họ tiếp tục
đưa chúng tôi vào một cửa hàng rất to ở Vương Phủ Tỉnh, trong đó bày la
liệt ngọc bích, đá quý, đồ nữ trang, kem dưỡng da. Cô bán hàng trẻ nói
tiếng Việt lơ lớ mời khách vào phòng uống trà miễn phí và mang lọ kem
sản xuất từ ngọc trai ra, lấy cho mỗi người một tý bôi lên tay và nhờ
chúng tôi về nước quảng bá giúp sản phẩm này. Mười phút sau, một cô bán
hàng khác ra nói với cô này điều gì đó. Cô ta vui vẻ nói với chúng tôi:
“Quý vị hôm nay thật là may mắn, thư ký của giám đốc vừa ra nói với tôi
là giám đốc công ty sẽ tiếp đoàn vì anh ấy rất quý người Việt Nam”. Nói
xong, một người đàn ông chừng hơn 30 tuổi, đeo trên cổ và tay nhiều
trang sức bước vào. Anh ta nói tiếng Việt rất chuẩn và tự giới thiệu tên
là Cường, hiện là Giám đốc công ty đang nắm giữ toàn bộ tài sản ở đây.
Anh ta khoe đã từng ăn thịt chó, bún đậu mắn tôm, phở Hà Nội và rất có
thiện cảm với người Hà Nội. Nói xong anh ta đích thân dẫn khách đi xem
hàng ở cả 3 tầng. Chỉ các bức chân dung hoa hậu, người mẫu, các quý bà
giàu có nổi tiếng thế giới đang đeo trang sức đắt tiền, anh ta khoe:
“Trang sức họ mang trên người là mua tại đây”.
Sau khi đã làm cho khách mê mẩn, anh ta
bảo nhân viên mang kem sản xuất từ ngọc trai ra mời mọi người mua với
giá 400 tệ/hộp. Thấy mọi người ngần ngại vì giá quá đắt, anh ta bảo do
cảm tình với người Hà Nội nên bán giá hữu nghị 200 tệ/hộp. Mọi người reo
lên, vội vàng cầm ngay mấy hộp kem như sợ hết, có người mua cả lố (12
hộp) về làm quà cho bạn bè. Khi không ai mua nữa, nhân viên tiếp tục
mang đồ trang sức giả, ngọc và đá quý giả ra mời chào và đeo vào cổ, vào
tai mấy vị khách trẻ đẹp, rồi bảo họ đứng trước gương quay trước, quay
sau. Như bị thôi miên, mọi người lại đổ xô mua hàng. Hết tiền tệ, họ trả
bằng đôla rồi bằng cả tiền Việt Nam. Cường bảo: Cửa hàng “linh động”
lấy tất tần tật miễn sao khách hàng hài lòng. Ai cần giấy bảo hành, cửa
hàng cung cấp ngay vì họ biết khách du lịch một đi không quay lại, làm
gì có cơ hội để bắt đền. Khốn khổ, ra đến sân bay, nhiều người trong
đoàn không còn xu nào trong túi.
Trên đây chỉ là mấy ví dụ điển hình cho
thấy “văn hóa lừa” diễn ra hằng ngày ở các điểm bán hàng của Trung Quốc
nằm trong lịch trình tham quan của các công ty du lịch Việt Nam. Họ
“ăn” của khách Việt Nam không từ một cái gì. Sim điện thoại mua ở bưu
điện chỉ 50 tệ và gọi được 45 phút nhưng hướng dẫn viên du lịch địa
phương đã lấy của khách 150 tệ (hơn 500 ngàn đồng) nhưng chỉ gọi được 20
phút. Táo tại các cửa hàng bán chỉ 24 tệ/kg nhưng đem ra sân bay họ lấy
40 tệ… Họ còn năn nỉ khách du lịch đi xem biểu diễn tuồng, du thuyền
trên sông với giá gấp rưỡi, gấp đôi giá in trên vé…
Mấy năm gần đây, mức sống nhân dân cùng
nhu cầu hưởng thụ văn hóa đã được nâng lên, nhu cầu đi du lịch nước
ngoài ngày càng tăng, trong đó Trung Quốc là một trong những thị trường
hấp dẫn với hàng vạn lượt du khách Việt Nam một năm. Bên cạnh những điều
bổ ích ở nước bạn, nhất là những người hoạt động trong môi trường du
lịch, chúng tôi không khỏi xót xa, bức xúc khi ở trong nước người dân
tẩy chay hàng giả, hàng độc hại, chất lượng kém của Trung Quốc thì đi du
lịch, họ lại bị móc túi đến đồng xu cuối cùng. Du khách Việt Nam đã trở
thành món mồi béo bở bởi các chiêu trò lừa đảo tinh vi, bài bản ở nước
này.
 |
Bất đáo Trường thành phi hảo hán (Bút tích của Chủ tịch Mao Trạch Đông) |
Các công ty lữ hành Việt Nam, trong đó
có Vietravel có biết điều này không khi hướng dẫn viên du lịch địa
phương nói rằng Vietravel đã ký hợp đồng với các điểm du lịch lừa đảo
trên nhằm đưa khách đến đây? Hơn nữa, hầu hết du khách trở về từ các
tour du lịch Trung Quốc đều cho rằng: Lẽ ra, hướng dẫn viên du lịch của
các công ty du lịch Việt Nam phải tư vấn, khuyến cáo du khách để họ
không mua phải hàng giả, hàng nhái, không bị lừa thì họ lại câu kết với
hướng dẫn viên du lịch địa phương để lừa khách du lịch Việt Nam và hưởng
hoa hồng…
Tham gia chuyến du lịch trên, người
viết bài này mong muốn góp một lời cảnh tỉnh cho những ai có ý định đi
du lịch Trung Quốc và xin chuyển những băn khoăn, thắc mắc trên đến các
công ty du lịch Việt Nam.
(Nguồn: Báo giáo dục điện tử)