Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

Ngược cung đường Tây Bắc: Say quên lối về

Một hành trình hoàn toàn khác biệt khám phá cung đường Tây Bắc với điểm xuất phát là Yên Bái - Lào Cai - Lai Châu - Điện Biên - Sơn La và kết thúc tại Hoà Bình. Trải nghiệm để rồi không biết từ lúc nào, bạn sẽ say đắm với mảnh đất, con người, sản vật nơi đây, nhất là vào mùa hoa ban nở.

Bữa tiệc màu sắc
Nếu tại các tỉnh Đông Bắc, cảnh quan và không gian vô cùng khoáng đạt, trù phú với núi đá, rừng cây ngút tầm mắt và những con suối, dòng sông xanh mát nhờ được bà mẹ thiên nhiên ưu ái... thì Tây Bắc, ở bên kia dãy Hoàng Liên Sơn, chịu thiệt thòi hơn do cái nóng khô rát từ miền Tây quét qua.

Hoa ban (Ảnh: Vietnamnet)

Nhưng trong cái nghiệt ngã của nắng, của gió ấy mới thấy sức sống bừng lên mãnh liệt. Bức tranh Tây Bắc vừa hùng vĩ, huyền ảo với những dãy núi, những con đèo đắm mình trong mây, trong sương mù, vừa bừng sáng bởi sắc đào hồng tươi, sắc mận và mai tinh khôi, điểm xuyết là đồng hoa cải vàng tươi mát, lốm đốm hoa gạo đỏ rực ‘cháy’ sớm...

Mùa đông rét mướt là vậy, mà chỉ cần một chút nắng ấm áp, dường như tất cả loài hoa ở Tây Bắc chỉ chờ có vậy để khoe sắc.

Đặc biệt, đặc sản của Tây Bắc mùa này là hoa ban. Có hai loại ban: ban hồng và ban trắng. Khác hẳn với hoa ban đem về Hà Nội - nơi phố xá ồn ào bụi bặm - hoa ban rừng tinh khiết, e lệ, cánh hoa mỏng manh và quyến rũ hơn. Từ cuối tháng 2 trở đi, những cây ban hầu như không còn lá, chỉ toàn hoa trắng xoá.

Thoả con mắt, giờ sẽ thoả “cõi lòng”. Du khách đói bụng, đã có cơm nếp Tú Lệ dẻo thơm lót dạ. Tráng miệng, đã có trà Shan Tuyết - thứ chè được hái từ những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi mọc ở Suối Giàng - làm ấm lòng. Và đến tối, khi dừng chân ở Nghĩa Lộ, bạn khó có thể cầm lòng trước chén rượu nếp do các cô gái Thái mời chào. Bạn sẽ được đãi món cá chép suối nướng (pỉnh tộp), cá suối rán, thịt xông khói, tôm bàng, rau dớn... vừa nhấm nháp vừa ngắm điệu Thái xòe, đến khi ngà say còn gì hơn là được cùng nắm tay các cô gái Thái múa xòe, nhảy sạp.

Nếu như những bản người Thái, với những ngôi nhà sàn nhấp nhô bám theo những dòng suối, dòng sông, thì người H’Mông lại chọn nơi trú ngụ trên núi cao quanh năm sương mù bao phủ. Người ta thường nói người Xá ăn lửa, người Thái ăn nước và người Mông ăn sương là vì thế. Có một điều không thể thiếu khi nhắc tới Tây Bắc, đó là sắc màu thổ cẩm.

Trên cung đường Tây Bắc như con rắn uốn mình vươn lên, chúng tôi đã bắt gặp những cô gái dân tộc với trang phục đủ màu sắc, nổi bật giữa cảnh hoang sơ thanh vắng. Chỉ cần tinh mắt, hiểu biết một chút là bạn có thể phân biệt được họ thuộc dân tộc nào. Ví như, phụ nữ Thái mặc áo cóm bó sát người đính hàng cúc bướm bằng bạc, chiếc váy dài chấm gót và đầu đội khăn piêu. Nếu đã có chồng, cô gái Thái phải búi tóc trên cao (tiếng Thái gọi là “tằng cẩu”) để báo hiệu mình đã có nơi có chốn và thể hiện được sự chính chuyên. Người Mông có Mông đen (chủ yếu sống ở Sa Pa), Mông đỏ (Shìn Hồ), Mông Hoa (Bắc Hà) và Mông Xanh (Mù Cang Chải), Mông Trắng (Shìn Hồ). Cách phân biệt trang phục nằm ở màu sắc, hoa văn trên quần áo.

Hang động kỳ bí
Sau khi ngắm hoa, thưởng thức đặc sản và trải nghiệm văn hoá ở Yên Bái, Sa Pa (Lào Cai), chúng tôi có chuyến khám phá hang động nằm trong quần thể danh thắng Pusamcap của Lai Châu. Điều đặc biệt của hệ thống hang động này là có hai hang, Thiên Môn và Thiên Đường. Nếu bạn đã vượt qua Thiên Môn thì trí tò mò sẽ giúp bạn vượt qua tiếp 400m nữa để đến với vẻ đẹp kỳ bí của Thiên Đường.


Bước vào trong hang, cảm giác mát lạnh đã làm du khách bớt mệt. Hang rộng 400m, với các nhũ thạch long lánh màu sắc. Tuỳ hình khối và cách tạo dáng của đá, người dân nơi đây đã đặt cho chúng những cái tên thích hợp, như hòn trống đá, hạnh phúc, hoa đá, núi tóc, mê cung, cổng trời, noọng thiên...

Điểm khác biệt lớn nhất là nền động có những dải đá uốn lượn nằm song song như những con sóng. Có lẽ, chúng đã được hình thành qua hàng nghìn năm, khi nước trong hang đầy và các con sóng mạnh đập vào vách hang không lối thoát khiến đá dưới nền hang động cũng biến thành sóng.

Hay du khách cũng sẽ bắt gặp dưới chân những phiến đá tròn nhỏ bằng cái bát, nhẵn thín như mới được ai đem máy ra mài giũa...

Tuy nhiên, khác với động Pu Mạ ở Bắc Kạn lung linh nhờ cách bố trí đèn phù hợp thì đáng tiếc là ở Thiên Đường, hệ thống đèn trong hang chưa ổn, nhiều chỗ quá tối. Hơn nữa, người dân ở đây do thiếu ý thức đã đập lấy nhũ thạch, lấy đá... khiến đá gãy nằm ngổn ngang...

Dòng Nậm Na và nét hoang phế của dinh thự vua Thái
Tạm biệt Pusamcap, chúng tôi tiếp tục hành trình khám phá Tây Bắc. Vượt qua đèo Ma Thị Hồ vắt qua dãy Huổi Lèng sừng sững, chúng tôi có mặt tại Mường Lay (Lai Châu). Cứ theo con đường này là đến ngã ba sông, nơi hợp lưu của dòng Nậm Na, Nậm Lay và sông Đà.

Nhiều năm trước, khi thuỷ điện Sơn La chưa xả nước, Nậm Na chỉ là dòng suối nhỏ với những bản làng người Thái sinh sống. Sau khi nhà máy thuỷ điện vận hành, dòng suối trở thành nơi chứa nước. Cư dân nơi đây, con đường cũ, nếp nhà xưa phải di chuyển lên cao thêm 20m. Vì thế, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cây cổ thụ chết khô còn vương lại như dấu tích của một cánh rừng bị ngập nước, hình ảnh người dân thả lưới bắt cá... trong một chiều hoàng hôn mặt nước lóng lánh ánh vàng. Cảnh đẹp như một bức tranh thuỷ mặc.
Ông Trần Thế Dũng, Phó giám đốc Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ (TP.HCM) ao ước, giá ở đây có tàu du lịch, khách sẽ được đi đường thuỷ, được ngắm cảnh đẹp trên sông như từng trải nghiệm khi tàu chạy dọc dòng sông Gâm, sông Năng ở lòng hồ thuỷ điện Na Hang thuộc Tuyên Quang.

Ở ngã ba sông ấy, dinh thự của vua Thái một thời giàu có nhất vùng Đèo Văn Long - giờ gần như hoang phế - trầm mặc soi bóng. Những gì còn sót lại là ngôi nhà chính hai tầng bằng gạch đỏ vôi bong tróc loang lổ, xung quanh bao bọc bởi những khu nhà nhỏ giờ đã xập xệ, những bức tường đá cao tới hơn 3m cây leo chằng chịt, khoảng sân trống trước nhà để múa xoè giờ ngập rác... Trời chiều, sự cô đơn trầm mặc của dinh thự vua Thái và cạnh đó, những con thuyền lặng lẽ neo cạnh đám cây khô khẳng khiu, chênh chếch phía xa là cây cầu Hang Tôm bằng bê-tông... khiến cảnh thì bảng lảng mà lòng người thì man mác buồn.

Hành trình của chúng tôi tiếp tục qua Điện Biên để ghé thăm những di tích lịch sử trong trận đánh Điện Biên Phủ lẫy lừng năm 1954, đó là đồi A1, hầm tướng Đờ Cát, khu chỉ huy của đại tướng Võ Nguyên Giáp, tượng đài chiến thắng... , qua Mộc Châu (Sơn La) ngắm thảo nguyên chè ngút tầm mắt, cánh đồng cỏ xanh rì cho bò sữa và không quên mua những sản phẩm từ sữa nổi tiếng ở đây về làm quà. Trong sương mù giăng kín đất trời, chúng tôi qua Mai Châu (Hoà Bình) trở về Hà Nội, kết thúc hành trình ngược cung đường Tây Bắc trong lưu luyến và tiếc nuối.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét